Trang chủ » Quê Hương Mến Yêu » NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM TRONG CUỘC ĐỜI VÀ TRONG VĂN CHƯƠNG

NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM TRONG CUỘC ĐỜI VÀ TRONG VĂN CHƯƠNG

Thời chiến cũng như thời bình, người phụ nữ Việt Nam, hiện diện ở nhiều vị trí trong cuộc đời và để lại nhiều hình ảnh, bóng sắc trong văn chương.

Không tuổi trẻ nào ở Việt Nam ngày trước không nhớ bài học lịch sử nhắc nhở đến võ công oanh liệt của Hai Bà Trưng, nổi dậy chống quân xâm lược Đông Hán, qua những câu thơ trong cuốn Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái:

Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng công
Ngàn tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên
Hồng quần nhẹ gót chinh yên
Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên Biên Thành
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta … 

Triệu Nữ Vương cũng được sử gia mô tả:

Đầu voi phất ngọn cờ vàng
khi bà xông trận đánh quân Đông Ngô. Chí khí của bà thường bộc lộ trong câu nói bất hủ: “Tôi muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng làm tì thiếp cho người ta…”

Thời vua Lý Thánh Tông mang quân đi đánh Chiêm, ở triều đình Ỷ Lan Thái Phi làm giám quốc với sự phụ chính của đại thần Lý Đạo Thành. Ỷ Lan vốn là một thôn nữ ở Bắc Ninh, vua Lý Thánh Tông gặp được nhân dịp tuần du, bèn tuyển vào cung. Sau một thời gian được trau dồi văn hóa, với trí thông minh thiên phú, đã tỏ ra là một phụ nữ có khả năng tham chính đắc lực, giúp điều hành việc nước, trong lúc vua Lý Thánh Tông bận chinh chiến phương xa. Ỷ Lan có thể xem là một phụ nữ đầu tiên làm chính trị trong lịch sử nước ta, kể cả lúc vua Lý Thánh Tông còn trị vì, cho đến khi vua Lý Nhân Tông (con của Ỷ Lan) lên ngôi. Trong việc phá Tống bình Chiêm dưới triều Nhân Tông, do Lý Thường Kiệt và các đại thần chủ trương, cũng có sự góp ý và quyết định của Ỷ Lan Thái Phi, tham chính bên cạnh ấu quân.

Người con gái đất Việt có lúc gặp phải số phận bi đát khi sinh vào thời buổi nhiễu nhương, ly loạn và bị áp đặt bởi mưu đồ chính trị như trường hợp Huyền Trân Công Chúa mà vua Trần Anh Tông đem gả cho vua Chiêm. Sự gả bán này cũng là một công lao đóng góp cho đất nước của công chúa với hai vùng đất Ô, Lý, mở rộng bờ cõi, nhưng cũng là niềm đau khổ về mặt tình cảm của người con gái ở thời phong kiến, không được tự do chọn ý trung nhân cho mình. Hoàng Cao Khải trong bài “Vịnh Huyền Trân” có ý thiên về lợi quyền chính trị:

Đổi chác xưa nay khéo nực cười
Vốn đã không mất lại thêm lời
Hai châu Ô Lý vuông nghìn dặm
Một gái Huyền Trân đáng mấy mươi …

Nhưng thời trước, Ngô Thời Nhiệm, một danh sĩ Bắc Hà, lại có cảm nghĩ khác về thân phận của vị công chúa “cành vàng lá ngọc”, qua bài “Tích Vũ Huyền Trân” (Mưa Lệ Huyền Trân):

Huyền Trân sái tận u sầu lệ
Hóa tác xuân mai dạ vũ thanh …
Nhị châu sính vật cung thiên cổ
Vạn lý giai nhân ngộ nhất sinh …

Dịch:
Cành mai xuân vắng tiếng mưa đêm
Ấy lệ Huyền Trân trĩu muộn phiền …
Hai châu lễ vật công muôn thuở
Muôn dặm đời hoa lỡ phận riêng …

Trong cuộc chiến tranh Nguyễn – Tây Sơn, vua Quang Trung có một số tướng lãnh trung thành, dù sau khi vua mất, họ vẫn hết lòng phò tá vua con là Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản). Trong số đó có Trần Quang Diệu và vợ là Bùi Thị Xuân. Tháng giêng năm Nhâm Tuất (1802), vua Cảnh Thịnh đem quân vào Nam đánh nhà Nguyễn, tấn công lũy Trấn Ninh, nhưng thất bại. Vua định triệt thoái quân, nhưng nữ tướng Bùi Thị Xuân vẫn thúc voi tiến đánh, gan dạ phi thường, nhưng rồi cũng rút lui theo chiến cuộc bất thành của quân Tây Sơn ở các nơi khác.

Người đời sau có thơ vịnh bà:

Vận nước đang xoay chuyển
Quần thoa cũng vẫy vùng
Liều thân lo cứu chúa
Công trận quyết thay chồng.
Khảng khái khi lâm nạn!
Kiên trinh lúc khốn cùng
Ngàn thu gương nữ liệt
Gương sáng hãy soi chung.

Khi vua Quang Trung ra Bắc diệt Trịnh phù Lê, được vua Lê Hiển Tông gả con gái là Ngọc Hân Công Chúa. Ngọc Hân có tài thi văn, khi vua Quang Trung mất đã sáng tác bài “Ai Tử Vãn” để khóc vua, lời văn rất thống thiết, mô tả thân thế và sự nghiệp của vua, có thể tóm gọn trong câu thơ:

Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước biết bao công trình

Suốt hơn bốn ngàn năm lịch sử, không thời nào mà không có các vị anh thư nữ kiệt, hữu danh hoặc vô danh, có lẽ không nhiều, đóng góp vào công cuộc cứu nước, có tầm vóc hào hùng như các bậc nam tử. 

Thời Pháp ra Bắc đánh dẹp quân Văn Thân, Đề Thám (tức Hoàng Hoa Thám) lập chiến khu ở vùng Yên Thế, xưng hùng một phương, được dân gian mệnh danh là “Hùm Thiêng Yên Thế”. Người Pháp phải trải nhiều năm gian lao mới dẹp được. Trong số tướng tá tùy tùng, Đề Thám có một nữ kiệt, tức là bà vợ ba của ông, đã nhiều phen “phất cờ nương tử” làm cho các võ tướng Pháp phải khiếp phục.

Dù người Pháp đã hoàn tất việc xâm chiếm, tổ chức việc cai trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam, nhưng người Việt vẫn liên tục nổi dậy đấu tranh giải phóng ách nô lệ cho nhân dân. Trong các tổ chức phục quốc, nổi tiếng có Việt Nam Quốc Dân Đảng do Nguyễn Thái Học cầm đầu. Trong đảng có một số nữ đồng chí từng sát cánh với lãnh tụ Nguyễn Thái Học, đáng kể nhất là hai chị em Nguyễn Thị Bắc và Nguyễn Thị Giang. Cô Giang về sau được đảng tác thành làm vị hôn thê của Nguyễn Thái Học. Cô Giang vốn là một giáo viên đã giúp Nguyễn Thái Học trong nhiều công tác hoạt động cách mạng chống Pháp. Khi Nguyễn Thái Học bị xử tử hình, cô đã dùng súng tự vẫn theo sau đó. Trước khi chết, cô đã để lại hai bức thư tuyệt mệnh. Một bức gởi cho cha mẹ để vĩnh biệt, bức kia gởi cho Nguyễn Thái Học, có những câu: “Anh là người yêu nước! Không làm tròn được nghĩa vụ cứu nước ! Anh giữ lấy linh hồn cao cả để về chiêu binh rèn lính ở dưới suối vàng! Phải chịu đựng được nhục nhã mới có ngày mong được vẻ vang! Các bạn đồng chí phải sống lại sau anh để đánh đổ cường quyền mà cứu lấy đồng bào đau khổ!”

Kèm hai bức thư, còn có một bài thơ với những câu đầy xúc cảm, nhưng không kém vẻ kiêu hùng:

Thân không giúp ích cho đời
Thù không trả được cho người tình chung
Dẫu rằng đương độ trẻ trung
Quyết vì dân chúng thể lòng hy sinh …
Bây giờ hết kiếp thơ đào
Gian nan bỏ mặc đồng bào từ đây …
Đảng kỳ phất phới trên thành
Tủi thân không được chết vinh dưới cờ …

o0o

Cũng như một số dân tộc Á Đông khác là Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, người Việt vốn yêu chuộng văn chương, thi phú. Thời Nho học toàn thịnh, chịu ảnh hưởng Trung Hoa, nhiều nho sĩ trước tác các tác phẩm văn xuôi cũng như văn vần bằng chữ Hán. Qua đến đời Trần, có ông Hàn Thuyên đặt ra Hàn Luật (dựa theo Đường Luật), khởi đầu sáng tác thơ Nôm. Dưới triều Hồ, được Hồ Quý Ly khuyến khích, cũng như triều vua Quang Trung trọng dụng chữ Nôm, phong trào sáng tác văn, thơ Nôm phát triển. Làm giàu kho tàng văn học chữ Nôm, người phụ nữ Việt đã đóng góp không ít công trình có giá trị.

Dưới đời Trịnh, Hồng Hà Nữ Sĩ (tức là Đoàn Thị Điểm) đã chuyển tác phẩm “Chinh Phụ Ngâm Khúc” bằng Hán Văn của Đặng Trần Côn thành một áng thơ Nôm tuyệt tác. Thời đó, Đặng Trần Côn đã cảm thông thân phận người phụ nữ trong thời loạn:

Thiên địa phong trần
Hồng nhan đa truân
Du du bỉ thương hề
Thùy tạo nhân?

(Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?)

Và mô tả hoàn cảnh bi thương của họ trong thời loạn, với những cảm xúc chân thành, nên tác phẩm này được lưu truyền lâu dài về sau.

Tương truyền khi bà Đoàn Thị Điểm nổi tiếng là một phụ nữ có tài văn thơ, ông Đặng Trần Côn có đưa tặng bài thơ. Bà xem xong cười nói: “Trẻ con mới cắp sách đi học, đã biết gì!” Ông Côn nghe vậy tức mình, quyết học thành tài để có dịp rửa hận. Mấy năm đèn sách, ông trở nên một tay học vấn uyên bác, sáng tác tập “Chinh Phụ Ngâm Khúc” bằng Hán Văn và tìm đến trao cho bà Điểm xem. Bà Điểm khen hay, phục tài ông Côn, rồi dụng công dịch ra quốc âm và bản dịch này cũng được truyền tụng đến ngày nay.

Thời Trịnh Mạc, với cuộc chiến tranh trường kỳ đã tạo nên một xã hội rối loạn, phức tạp. Con người chỉ biết vui chơi, đùa cợt, để quên cuộc sống bấp bênh, vô thường. Hoàn cảnh này đã tạo nên một hiện tượng văn học kỳ lạ: nữ sĩ Hồ Xuân Hương, thường được mệnh danh là Bà Chúa thơ Nôm. Thơ của bà hầu hết đều mang tính chất tục, nhưng nền văn học Việt Nam không chối bỏ các tác phẩm có giá trị này. Thật vậy, trong văn học nước ta chưa có một thi nhân thứ hai nào làm được những bài thơ độc đáo như vậy. Dù thơ Hồ Xuân Hương diễn tả những đề tài tục, nhưng có một kỹ thuật cấu tạo thơ tài tình, cả hình thức lẫn nội dung, nên đọc lên người ta cảm nhận tính chất văn chương hơn là phàm tục. Thơ nữ sĩ họ Hồ đáp ứng nhu cầu giải tỏa những ẩn ức dục tính của nhân gian, cả giới bình dân lẫn giới bác học, mà vì luân lý đạo đức người ta không dám nói ra, nên thơ của bà vẫn được người đời ưa chuộng. Một số thơ Hồ Xuân Hương mang tính chất đả kích những tật hư, thói xấu của các hạng người trong xã hội (như bài đề Đền Sầm Nghi Đống, Sư bị Ong Châm, Đề Đền Trấn Võ, Bỡn Học Trò, Mắng Chiêu Hổ …) Một số bài khác là tiếng than thân trách phận giùm cho người phụ nữ trong nhiều hoàn cảnh (các bài Làm Lẽ, Quả Mít, Bánh Trôi Nước, Con Ốc, Bỡn Bà Lang Khóc Chồng…) Quả thật, các tác phẩm của nữ sĩ Hồ Xuân Hương là một sự nghiệp văn học “không tiền khoáng hậu”, một phần do tài năng sáng tác của nhà thơ, một phần do cấu trúc đặc biệt của ngôn ngữ Việt Nam (về lối ẩn dụ, nói lái, lời thanh ý tục hoặc ngược lại v..v…)

Cùng thời, dưới triều Nguyễn, một nữ sĩ khác, Bà Huyện Thanh Quan, hầu như đối lập với với nữ sĩ Hồ Xuân Hương, qua những tác phẩm thi ca có tính nghiêm cẩn, đoan trang. Thơ bà không nhiều, chỉ có một số bài, nhưng bài nào cũng có giá trị, với tinh thần hoài cổ và tràn đầy cảm xúc. Học sinh bậc trung học nào ở Việt Nam ngày trước lại không nhớ đến bài thơ “Thăng Long Thành Hoài Cổ” đã học trong giờ Việt văn:

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa: hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài: bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

hoặc không quên những vần thơ đầy tính chất yêu nước trong bài “Qua đèo Ngang tức cảnh”:

… Nhớ nước đau lòng con quốc quốc (chim cuốc)
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia (chim đa đa)
Dừng chân đứng lại: trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.

Bà Thanh Quan, đến nay chưa rõ tên thật, có tài liệu ghi là Nguyễn Thị Hinh, hiệu Nhàn Khanh, là vợ của ông Lưu Nguyên Uẩn (có bản ghi là Lưu Nghị), từng làm tri huyện ở huyện Thanh Quan (tỉnh Thái Bình, Bắc Việt) nên người ta thường gọi bà là Bà Huyện Thanh Quan. Bà vốn hay chữ, có thời kỳ được vời vào cung nhà Nguyễn (hình như triều Minh Mạng) làm Cung Trung Giáo Tập để dạy cho các công chúa và các cung phi. 

Tương truyền có lần ông huyện đi vắng, bà Thanh Quan lên ngồi ở công đường xem giấy tờ, chiếu biểu hộ chồng cùng xét những việc có liên quan đến dân chúng trong huyện. Dịp này, thư lại đưa đến một quả phụ với đơn xin cải giá. Với tấm lòng rộng lượng, thông cảm người cùng giới, bà phê ngay vào đơn:

Phó cho con Nguyễn Thị Đào
Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai
Chữ rằng xuân bất tái lai
Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già.

Cùng trường hợp bà Thanh Quan, có bà Nguyễn Nhược Thị là một phụ nữ có học thức rộng, dưới triều vua Tự Đức được tuyển vào cung và từng dạy học trong nội đình. Nhân mục kích việc thất thủ kinh đô Huế năm Ất Dậu (1885), vua Hàm Nghi phải bôn tẩu, bà soạn tập “Hạnh Thục Ca” (Bài ca vào đất Thục), mô tả việc lánh chạy của vua ra khỏi kinh thành và tình trạng khốn khổ của dân chúng lúc bấy giờ, cùng chỉ trích các quyền thần đã gây nên tình trạng đó.

Thời kỳ Pháp thuộc, Việt ngữ thông dụng, các nữ sĩ đóng góp công trình thi ca cho văn học Việt Nam khá nhiều. Ở Bắc, có bà Cao Ngọc Anh, bà Tương Phố, bà này từng nổi tiếng với tập “Giọt Lệ Thu”. Ở Nam, có bà Sương Nguyệt Ánh (con ông Nguyễn Đình Chiểu), từng làm chủ báo “Nữ Giới Chung”.

Trong nền văn học lãng mạn vào thập niên 1930, có những nhà thơ nữ nổi tiếng như Vân Đài, Hằng Phương, Mộng Tuyết, Anh Thơ, Thu Hồng, Ngân Giang, T.T. Kh một thời gây tiéng tăm trong làng văn với bài thơ “Hai Sắc Hoa Ti-Gôn”; Quỳnh Dao có mấy vần thơ duyên dáng mô tả các nàng thôn nữ ở Huế:

Một hàng tôn nữ cười trong nón
Sông mở lòng ra đón bóng yêu

o0o

Người phụ nữ Việt Nam từng lưu lại những tấm gương cao đẹp trong lịch sử với các hoạt động cứu quốc, trong văn học với những trước tác tuyệt vời. Đó là những phụ nữ hữu danh.

Thời xưa, trong cuộc sống hằng ngày ở gia đình, người phụ nữ Việt Nam bình thường có những đức tính tiêu biểu cho truyền thống dân tộc: tam tùng (tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử) và tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh). Dù các đức tính này chịu ảnh hưởng của lễ giáo Trung Hoa, nhưng khi thâm nhập vào đất Việt lâu đời cũng trở thành những thuần phong mỹ tục của người Việt. Thời nay, các đức tính trên không tồn tại ở đa số phụ nữ, nhất là tam tùng, nhưng tứ đức vẫn còn nét tô điểm cho cái đẹp vừa tinh thần vừa thể chất, nói cách khác đó là cái duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Từ xưa, dân gian Việt vốn yêu thích mẫu người con gái:

Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng lánh hạt huyền kém thua
Năm thương cổ yếm đeo bùa
Sáu thương nón Thượng quai tua dịu dàng
Bảy thương nết ở khôn ngoan
Tám thương ăn mặc lại càng thêm xinh
Chín thương cô ngủ một mình
Mười thương con mắt hữu tình với ai

(Ca Dao)

Trải qua thời đại, mẫu người này không hoàn toàn thích hợp, nhưng cũng còn biểu lộ ít nhiều vẻ đẹp đa diện của người phụ nữ Việt Nam. Trong văn chương, ta còn có thể thấy vẻ đẹp thể chất của người phụ nữ. Từ làn môi, khoé mắt cho đến hình dung, cốt cách.

Yên Thao, nhiều năm sống đời chiến binh vẫn không quên được đôi mắt đen của người yêu, vốn là nữ sinh thường đi guốc mộc theo thời trang thuở đó:

Năm xưa em nữ sinh
Mắt huyền lung linh
Đu đưa mái tóc
Tiếng guốc thanh bình

Hay Quang Dũng, lúc hành quân cũng nhớ đến đôi mắt, có lẽ cũng đen, của người con gái Sơn Tây, chứa nhiều u uẩn mà đượm nét buồn:

Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc …
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương.

hoặc mơ về vóc dáng của người thiếu nữ Hà Nội, với vẻ kiều diễm tự nhiên, không nhờ hương phấn:

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Người thiếu nữ Việt Nam đẹp ở mái tóc thề (Tóc thề vừa chấm ngang vai – Kiều), hoặc đen mướt sắc mun, buông dài xuống tận lưng, khi ngồi hong tóc vừa gội xong:

Trời đẹp như trời mới tráng gương
Chim ca tiếng sáng rộn ven tường
Có ai bên cửa ngồi hong tóc
Cho chảy lan thành một suối hương
(Hồ Dzếnh)

Mái tóc đen huyền gợi nên hình ảnh đầy thơ mộng cùng với làn môi không tô son:

Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc
Vài chút trăng say đọng ở làn môi
(Bích Khê)

Cái tơ cái tóc là góc con người, như tục ngữ thường nói, cho nên người phụ nữ Việt luôn chăm sóc mái tóc, chải chuốc kỹ lưỡng hàng ngày như chị Hoài, một nhân vật nữ đặc biệt của Huế, trong tác phẩm “Tóc Chị Hoài” của Nguyễn Tuân.

Tóc mây với dáng bồng bềnh của người con gái Việt cũng được yêu chuộng:

Tóc mây một món chiếc dao vàng
Ngàn trùng e lệ phụng quân vương
(Đoàn Phú Tứ)

Mây chẳng khi nào chẳng có nhiều
Trên trời cao bay những sớm chiều
Nhưng trong đời tôi nào thấy nữ
Mây bồng trên mái tóc tôi yêu
(Huyền Lang)

Người phụ nữ Việt còn có dáng vóc đẹp với lưng thon, bờ vai mềm:

Phong thư tình ngây dại
Nhưng vai mềm môi ngoan
(Hoàng Hy Thanh)

Với đôi bàn tay có ngón thuôn búp măng:

Em đẹp bàn tay ngón ngón thon
Em duyên đôi má nắng hoe tròn
(Huy Cận)

Và bước đi tự nhiên mà ẩn nhiều vẻ đẹp rạng rỡ:

Em bước điềm nhiên không vướng chân
Anh đi lững đững chẳng theo gần
(Xuân Diệu)

Nở bừng ánh sáng anh đi đến
Gót ngọc dồn hương bước tỏa hồng
(Huy Cận)

Thời hiện đại, dù người ta chuộng phụ nữ có vẻ đẹp thể chất mạnh khỏe do luyện tập thể dục, như Hiền, một nhân vật nữ trong truyện “Trống Mái” của Khái Hưng, nhưng cốt cách hình dung yểu điệu:

Nét buồn như cúc điệu gầy như mai
(Kiều)

vẫn là đối tượng thẩm mỹ của thi ca, bởi vì thể chất này có vẻ thích hợp với chiếc áo dài Việt Nam.

Thật vậy, trang phục gợi nhiều đến sự chú ý về nét duyên dáng của người phụ nữ. Và phần chính của trang phục phụ nữ Việt là chiếc áo dài. Và chiếc áo dài này đang có nhiều hình thức qua không gian và thời gian.

Ngày xưa, đàn bà nông thôn lẫn thành thị mặc áo tứ thân:

Nào đâu cái yếm lụa sồi
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân
Nào đâu cái áo tứ thân
Cái khăn mỏ quạ cái quần nái đen
(Nguyễn Bính)

Qua thời thuộc Pháp, có loại áo dài cải cách “Lemur”, theo mẫu của họa sĩ Cát Tường, dành cho phụ nữ tân thời. Áo này khá hấp dẫn với các thiếu nữ theo mới thời ấy. Dần dần xuất hiện loại áo dài cao cổ, thấp cổ, không cổ, cho đến ngày nay thì rất nhiều kiểu áo dài khác lạ được giới thiệu ở các buổi trình diễn thời trang của người Việt ở nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt, chiếc áo dài Việt Nam có vẻ duyên dáng, nên thơ khi tà áo phất phơ trong gió:

Em đi trong bóng chiều sa
Hay trong nắng sớm cho tà áo bay
Phất phơ cuối nẻo trời mây
Trời xanh mây trắng cho đầy mộng mơ
(Mây Tần)

Một hôm trận gió tình yêu lại
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ
(Huy Cận)

Phụ nữ miền Bắc và Trung thường mặc áo dài, phụ nữ miền Nam đến nay còn chuộng áo ngắn, tức là “áo bà ba”, cũng có vẻ đẹp riêng. Về giới nữ sinh, thì các trường nữ học thường buộc họ mặc đồng phục với chiếc áo dài xanh, tím hoặc trắng. Ngày trước, nữ sinh trường Đồng Khánh, Huế có thời kỳ mặc áo dài tím, xanh, trắng, trường Trưng Vương, Gia Long Sài Gòn cũng vậy, tùy theo qui định của nhà trường. Tà áo dài nữ sinh còn để lại nhiều vang bóng trong thơ:

Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong
Hôm xưa em đến mắt như lòng
Nở bừng ánh sáng em đi đến
Gót ngọc dồn hương bước tỏa hồng
(Huy Cận)

Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Anh pha mực cho vừa màu áo tím
(Nguyên Sa)

Màu áo tím chính là màu của tình thơ mộng:
Tôi cài trên áo nàng
Màu hoa như màu áo
Thi vị hóa cuộc đời
Làm tình yêu diễm ảo
(Huyền Lang)

Và đặc biệt, một chiếc áo phụ nữ khác không kém vẻ quyến rũ với chất, màu:

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
(Nguyên Sa)

Người phụ nữ Huế, nhất là nữ sinh, còn được điểm thêm vẻ duyên dáng với tà áo trắng và chiếc nón bài thơ:

Chiếc nón bài thơ sáng ánh chiều tà
Vẽ lên không dáng người thơ khép nép
Và hình dung cả một miền Huế đẹp
Mà thời gian đã khép một thời xưa
Thùy Việt Lân)

Hình ảnh người phụ nữ còn để lại nhiều nét đáng yêu trong ca dao ở đồng nội, nơi họ từng vất vả với công việc đồng áng, nhưng vẫn biểu lộ một đời sống tình cảm dồi dào:

– Thương nhau cởi áo cho nhau
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chìu

– Rồi mùa tót rạ rơm khô
Bạn về quê bạn biết mô mà tìm

– Thuyền về Đại Lược duyên ngược Kim Long
Đến đây là chỗ rẽ của đôi lòng
Gặp nhau còn biết trên sông bến nào

– Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Thập bát giang cũng lội tam thập lục đèo cũng qua

-… Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra

Người phụ nữ Việt ngày xưa, nông thôn cũng như thành thị, có nhiều đức tính cao quí. Ngoài việc chăm lo ruộng nương, đảm trách nội trợ, họ còn có bổn phận thờ chồng, nuôi dạy con:

– Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai
(Chinh phụ Ngâm)

– Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân
(Chinh Phụ Ngâm)

– Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Em về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng
(Ca Dao)

Trong thời hiện đại, họ là thành phần tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam mới, tham gia hoạt động cách mạng và kháng chiến chống ngoại xâm như các nhân vật Thu Hương, Chị Tập trong tác phẩm của Hồ Hữu Tường. Hoặc họ là những nữ cứu thương, hiện diện ở các mặt trận, trong thơ Bân Bân nữ sĩ:

Có những bàn tay đẹp dịu dàng
Bàn tay không vướng nét kiêu sang
Cũng không tô chuốt màu hồng hạnh
Mà vẫn hồng tươi vẫn nhẹ nhàng

Bao nỗi niềm riêng đành phủi bỏ
Những bàn tay ấy quyết đeo mang
Đem bao êm dịu cho đau đớn
Hàn vá lành cho những vết thương

Là ngọc ngà đem giữa chiến trường
Là ngà ngọc điểm khí hiên ngang
Là ngà ngọc kết nên đôi nét
Chữ thập hồng tươi ánh nắng vàng

Đây một trời thương phủ chiến công
Nơi đây ve vuốt chí anh hùng
Nơi đây an ủi hờn chinh khách
Trên cánh tay in chữ thập hồng

o0o

Ngày trước, nhà văn Hồ Hữu Tường đã nêu câu hỏi: “Gái nước Nam làm gì?” đặt tiêu đề cho 2 tập tiểu thuyết “Thu Hương” và “Chị Tập” của ông.

Trong cuộc đời, “Gái nước Nam” đã đi vào lịch sử bằng sự nghiệp cứu quốc, xây dựng gia đình, đi vào văn học sử bằng sự nghiệp thi ca. 

Trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật, hình ảnh người phụ nữ vẫn thường là nguồn cảm hứng cho vô số sáng tác làm nên thơ mộng của cuộc đời và chính cuộc đời được tô điểm bằng văn chương nghệ thuật giúp cho con người sống có ý nghĩa và lạc thú.

Phương Nghi

 


2 Bình luận

  1. Nghiand04 nói:

    😀 Like it !

    Thích

    • phamthientho nói:

      Cám ơn Ng Đại Nghĩa ghé thăm. Có dịp mình cũng sẽ ghé qua nhà bạn chơi đôi chút! Trà nước thì chắc không cần, nhưng sẽ để lại đôi lời an ủi cho bạn vui! Hi…!

      Thích

Bình luận về bài viết này

“Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu”

Tháng Mười Một 2010
H B T N S B C
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930